0966.867.186

Chỉ số KPI là gì?

KPI (Key Performance Indicator) là chỉ số dùng để đánh giá hiệu quả công việc. Không riêng gì Content Marketing, mỗi bộ phận trong công ty sẽ có một chỉ số KPI khác nhau để đảm bảo việc đánh giá hiệu quả làm việc của mỗi bộ phận đó là khách quan. 
Riêng trong Content Marketing, KPI là những chỉ số đo lường sự hiệu quả mà nội dung mang lại (tiếp cận được bao nhiêu người, ảnh hưởng như thế nào đến quyết định mua hàng của họ,…). Thông qua đó, những chỉ số này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nội dung được sản xuất và hiệu quả của mỗi nhân viên.

Điều gì tạo nên các chỉ số đo lường Content Marketing hữu ích?

Tìm kiếm số liệu luôn luôn là công việc khó khăn. Những chỉ số càng dễ nhìn thấy thì càng ít quan trọng và những chỉ số ít hiển thị hay khó tìm mới là chỉ số quan trọng.
Nhưng hiện nay chúng ta có xu hướng dành nhiều thời gian phân tích, đánh giá thông tin và hiệu quả của chiến lược Content Marketing bằng những chỉ số dễ tìm thay vì phân tích thực tế, làm việc với những chỉ số khó nhằn để đưa ra quyết định và hành động. Vậy, chúng ta nên theo dõi những chỉ số nào? Đâu là những con số có thể tạo ra sự khác biệt?

1. Tổng lưu lượng truy cập vào website (Overall Traffic)

Số người truy cập vào website (Overall Traffic) là chỉ số đầu tiên tất cả những người làm Content Marketing phải quan tâm. Đây cũng là chỉ số nền tảng để đo độ thành công của bài viết, vì không có lượng truy cập đồng nghĩa với không thu hút được khách hàng - không có doanh thu. 
Theo dõi chỉ số này giúp chúng ta biết được số người đã và đang truy cập trang web và những bài đăng nào đang thu hút họ. Việc nhận biết đâu là bài viết tạo ra nhiều lượt xem nhất trên trang web có thể giúp bạn biết đâu là hướng xây dựng nội dung phù hợp để đạt được traffic tốt, biết nên “đánh mạnh” và hạn chế những nội dung nào. Nếu bạn duy trì đăng những nội dung hấp dẫn, thu hút người xem chắc chắn traffic sẽ tăng lên nhanh chóng.
Lưu ý rằng: Cần phải lọc lượng truy cập không trả tiền khi xem số liệu này để tránh dữ liệu bị sai lệch bởi quảng cáo trả tiền hoặc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội. 

2. Thời gian truy cập page (Time On Page)

Time On Page – thời gian người dùng ở trên website giúp doanh nghiệp biết được trang web của bạn liệu có giá trị thật sự hay không. Thời gian dành cho một trang càng nhiều chứng tỏ sức hút của Content Marketing trên trang web càng lớn.
Có thể bạn chưa biết, Time On Page cũng có thể giúp cải thiện chiến lược SEO, bởi đây là một yếu tố để xếp hạng website, dù chưa chính thức. Ngày càng nhiều bằng chứng chứng minh các tác động tích cực của Time On Page đến thứ hạng tìm kiếm của web.  
Trên thực tế, việc thu hút sự chú ý của mọi người càng ngày càng khó khăn. Một số nguyên nhân khiến chỉ số này thấp là:
-    Thời gian tải trang chậm
-    Nội dung trên trang không quá hấp dẫn
-    Người dùng không tìm được thông tin họ muốn
Hơn nữa, bạn cần biết rằng các số liệu về thời gian người dùng lưu lại trên website là thời gian trung bình của tất cả những người đó.  
Ví dụ: Mất khoảng hơn 3 phút để đọc một bài đăng trên blog 1.000 từ. Vì vậy, nếu Time On Page chỉ có 1 phút rưỡi, nghĩa là người dùng chỉ đọc ½ nội dung mà thôi.

Thời gian truy cập page (nguồn DataBox) content marketing

Thời gian truy cập page (nguồn DataBox)

3. Tỷ lệ click vào các liên kết nội bộ (Click-through-rate of internal Links)

Nếu doanh nghiệp sở hữu Content Marketing trên website đính kèm các liên kết để mua hàng, điều quan trọng cần làm là theo dõi tỉ lệ click vào các liên kết này. 
Nếu bạn nhận thấy một số nội dung có tỷ lệ click cao vượt trội, hãy phân tích nội dung đó để xem điều gì đã thu hút người đọc và áp dụng bí quyết này cho các nội dung khác. 
Bổ sung các liên kết nội bộ cũng có thể gia tăng traffic. Nên nhớ rằng, càng nhiều người click tiếp vào những trang khác trong website của bạn, cơ hội họ theo dõi và chọn mua sản phẩm sẽ càng cao. 

4. Scroll Depth (đo bằng Google Analytics)

Một số chuyên gia Content Marketing cho rằng, tỷ lệ Scroll Depth (trong Google Analytics) là số liệu quan trọng nhất. Chỉ số này giúp bạn kiểm tra rằng người dùng có kéo xuống và đọc hết nội dung hiển thị trên website của mình hay không. Chúng ta có thể kiểm tra các chỉ số này bằng công cụ HotJar hoặc CrazyEgg.
Hiểu được thói quen của mọi người thường đọc phần nào của tổng thể nội dung cho phép doanh nghiệp tối ưu hoá nội dung đó để đạt được mục tiêu mình mong muốn. 
Ví dụ: nếu phần lớn khách hàng chỉ đọc 40% nội dung trên trang, chúng ta có thể chèn nút mua hàng trong khoảng 40% nội dung đầu tiên này thay vì để cuối bài viết.

5. Tỷ lệ thoát (Bounce rate)

Chỉ số này giúp bạn xác định phần trăm người dùng tương tác với Content Marketing trên website. Tỷ lệ thoát của trang web là tỷ lệ phần trăm lượng người dùng thoát ra ngay trong vài giây khi truy cập vào website trên tổng số khách truy cập.
Họ thường thoát ngay lập tức vì:
-    Thời gian tải chậm
-    Quảng cáo quá nhiều
-    Nội dung không hữu ích
Nếu tỉ lệ trên quá cao, website của bạn đang gặp vấn đề.
Vậy chia sẻ những nội dung nào thì cải thiện được tỷ lệ thoát? Kết quả nghiên cứu của ConversXL cho biết, các trang dạng blog thường có tỷ lệ thoát khoảng 70-90%, các trang về nội dung (ví dụ như các trang “về chúng tôi”, trang showcase…) là 40-60% và trang dịch vụ có tỷ lệ thoát thấp hơn, chỉ từ 10-30%.

Các ví dụ thường gặp về tỉ lệ thoát

Các ví dụ thường gặp về tỉ lệ thoát

Tuy nhiên, số liệu đo lường tỷ lệ thoát thường có liên quan đến thời gian trung bình người dùng trên trang. Có thể tỷ lệ thoát cao vì họ đã đọc được thông tin cần thiết và không muốn phí thời gian ở lại website.
Ở một góc nhìn khác, tỷ lệ thoát thường cao hơn trên thiết bị di động vì tại đây người dùng thường có nhu cầu tìm kiếm cụ thể cao.
Tỷ lệ thoát 50% là mức trung bình và chúng ta nên chia dữ liệu tỷ lệ thoát của website theo các yếu tố khác nhau như: nguồn truy cập website (email, mạng xã hội…), vị trí truy cập, thiết bị đang sử dụng, người dùng mới hay đã từng truy cập vào website… Điều này sẽ cung cấp các thông tin cụ thể để từ đó bạn cải thiện Bounce Rate của mình.

Đón đọc các phần tiếp theo của bài viết tại: 
Content Marketing – Đo lường là chuyện nhỏ! (Phần 2) 

Content Marketing – Đo lường là chuyện nhỏ! (Phần 3) 

Content Marketing – Đo lường là chuyện nhỏ! (Phần 4)